Tết Đoan Ngọ tại Đài Loan có gì đặc sắc?

Cùng với ngày Tết cổ truyền và tết Trung thu, tết Đoan Ngọ được xem là 1 trong 3 ngày lễ lớn trong phong tục cổ truyền của Đài Loan được tổ chức vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch.

Nguồn gốc về ngày tết Đoan Ngọ tại Đài Loan

Theo truyền thuyết Trung Quốc là vào dịp lễ tưởng niệm nhà thơ Khuất Nguyên. Khuất Bình 屈平, tự là Nguyên 原, vẫn thường được gọi là Khuất Nguyên 屈原, là thi sĩ, trung thần ở nước Sở thời Chiến Quốc. Ông tính khí cương trực, thường hay can gián nhà vua, nên bị nịnh thần gièm pha, sau phải đi đày.

Trên đường đi đày, nghe tin nước Sở mất, ông trẫm mình xuống sông Mịch La 汨罗. Người dân thương tiếc, thường tổ chức tưởng niệm vào ngày ông tự vẫn, chính là mùng năm tháng năm âm lịch.

Tương truyền, sau khi nghe tin Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La, rất nhiều người dân lập tức tổ chức đội thuyền chèo ra sông Mịch La để cứu ông, đoàn thuyền đi mãi đến tận hồ Động Đình mà không tìm thấy thi thể của ông. Sau này mỗi năm người dân đều tổ chức đua thuyền rồng, chính là bắt nguồn từ việc này.

Lại truyền rằng, người dân sợ cá dưới sông ăn mất thi thể Khuất Nguyên, bèn mang cơm nắm thả xuống nước cho cá ăn, mong cá không rỉa thi thể ông. Từ đó có tục làm bánh ú nhân ngày Đoan Ngọ.

Theo truyền thuyết, nước giếng múc vào giữa trưa trong ngày này có mang công dụng trị bệnh, ngoài ra, nếu vào giữa trưa nếu ai có thể dựng đứng 1 quả trứng sẽ có may mắn trong suốt năm.

Hoạt động trong ngày tết Đoan Ngọ ở Đài Loan

Vào dịp này, người Đài Loan thường đua thuyền rồng và ăn bánh ú nhân mặn (nhân mặn gồm thịt lợn, đậu phộng, hạt dẻ, nấm hương, trứng muối, tôm khô và các loại gia vị xào lên cho thơm rồi gói cùng với gạo nếp).