Cách đài loan lật ngược tình thế trước làn sóng covid 19

Cách Đài Loan lật ngược tình thế trước làn sóng Covid-19

Giữa tháng 5, cuộc sống yên bình của người Đài Loan bỗng đảo lộn vì đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng, nhưng tình hình giờ đây lại được kiểm soát.

Đài Loan từng được coi là hình mẫu chống Covid-19 của thế giới. Trong lúc những nơi khác chật vật với hàng loạt biện pháp hạn chế, hoạt động kinh doanh tại hòn đảo vẫn diễn ra trong phần lớn thời gian đại dịch. Các trường học mở cửa, rạp hát kín người, nhà hàng nhộn nhịp, nền kinh tế phát triển mạnh.

Tất cả đã chấm dứt vào giữa tháng 5 vì một đợt bùng phát nghiêm trọng. Chỉ trong vòng nửa tháng, số ca nhiễm nCoV tại Đài Loan tăng từ hơn 1.500 lên gần 9.000. Tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 của Đài Loan hiện nay lần lượt là hơn 15.700 và hơn 790, trong khi trước đợt bùng phát hòn đảo chỉ ghi nhận 12 trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, tình hình vài ngày gần đây được cải thiện đáng kể. Hôm 17/5, số ca nhiễm mới một ngày tại Đài Loan là 535, trong khi mức trung bình 7 ngày vào tuần trước chưa đến 20 ca. Hôm 26/7, Đài Loan báo cáo chỉ 10 ca nhiễm nCoV trong cộng đồng.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân tại một điểm tiêm chủng ở thành phố Tân Bắc trên đảo Đài Loan hôm 25/6. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân tại một điểm tiêm chủng ở thành phố Tân Bắc trên đảo Đài Loan hôm 25/6. Ảnh: Reuters.

Theo bình luận viên Wayne Soon của Diplomat, bí quyết đầu tiên giúp Đài Loan kiềm chế thành công đợt bùng phát là tăng cường những chiến lược lâu nay, bao gồm đeo khẩu trang, cách ly và truy vết tiếp xúc. Ngay từ tháng 4/2020, Đài Loan đã bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Chính quyền sau đó mở rộng quy định, yêu cầu tất cả đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.

Đài Loan cũng mở rộng các cơ sở cách ly dành cho bệnh nhân Covid-19. Những người dương tính với nCoV được lựa chọn cách ly tại khách sạn hoặc cơ sở do chính quyền điều hành. Điều này giúp giảm đáng kể tình trạng lây nhiễm virus trong gia đình, từ đó giảm số ca nhiễm trong cộng đồng.

Bình luận viên Soon đánh giá yếu tố thứ hai mang đến thành công cho Đài Loan là chính quyền sẵn sàng lắng nghe và thay đổi chính sách. Ban đầu, họ ngần ngại ra lệnh cấm dùng bữa tại hàng quán trong không gian kín, bởi đánh giá các biện pháp như giãn cách xã hội và lắp đặt kính chống giọt bắn có thể ngăn chặn lây nhiễm. Tuy nhiên, trước làn sóng kêu gọi cấm những hoạt động trong nhà, nhiều chính quyền địa phương cuối cùng đồng ý.

Chính quyền thành phố cảng Cao Hùng đã tiên phong ra lệnh hạn chế dùng bữa tại chỗ trong không gian kín. Động thái nhanh chóng này được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Cao Hùng trước tình trạng lây nhiễm đáng lo ngại tại thành phố Đài Bắc và Tân Bắc. Một số chính quyền địa phương hiện nay vẫn cấm dùng bữa trong nhà hàng, một phần do lo ngại bị chỉ trích, dù chính quyền hòn đảo gần đây dỡ bỏ biện pháp này nhờ số ca nhiễm giảm.

Hồi đầu tháng 6, khi số người đã tiêm vaccine Covid-19 chỉ chiếm chưa đến 2% trong số 23 triệu dân, nguồn cung khan hiếm, chính quyền Đài Loan vẫn quay lưng với đề nghị hỗ trợ vaccine từ phía Trung Quốc đại lục.

Tuy nhiên, đảng Dân tiến cầm quyền cuối cùng ủng hộ mua vaccine của Pfizer-BioNTech từ Đức thông qua một công ty Trung Quốc đại lục, sau khi một bộ phận cư dân hòn đảo bày tỏ mong muốn được dùng loại vaccine này.

Giới truyền thông cũng được cho là âm thầm góp sức trong cuộc chiến chống đại dịch, khi cạnh tranh nhau để cung cấp những thông tin mới nhất mọi lúc. Mặc dù cách đưa tin của một số hãng dường như khiến người dân thêm ngần ngại tiêm vaccine Covid-19, hầu hết kênh truyền hình đã nhấn mạnh những điều đúng đắn nên làm trong các chương trình của họ.

Bên cạnh đó, hầu hết chương trình giải trí và tin tức đều chuyển sang hình thức trực tuyến, hoặc tất cả khách mời và người dẫn phải đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội. Những biện pháp này phản ánh sự nghiêm túc chống dịch của giới truyền thông, đồng thời giúp mô hình hóa các hành vi phù hợp cho người xem, bất kể xu hướng chính trị của họ.

Theo bình luận viên Soon, một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của Đài Loan chính là “quả ngọt” mà họ gặt hái nhờ thái độ thiện chí từ những ngày đầu đại dịch. Năm ngoái, Đài Loan đã tài trợ hơn 51 triệu khẩu trang cho các đối tác trên thế giới.

Đổi lại, những nước tiếp nhận tài trợ từ hòn đảo đã tặng họ số vaccine Covid-19 quý giá trong đợt bùng phát lần này. Trong hai tháng qua, Nhật Bản cung cấp cho Đài Loan hơn 3,3 triệu liều vaccine AstraZeneca và Mỹ đã chuyển 2,5 triệu liều vaccine Moderna. Litva, Slovakia và Czech cũng cam kết cung cấp hàng chục nghìn liều vaccine cho Đài Loan.

Với số vaccine Covid-19 đã tiếp nhận từ chương trình Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Mỹ, Đài Loan đã tiêm ít nhất một liều cho 28% cư dân, bước nhảy vọt lớn so với con số 1% trước đợt bùng phát.

Soon nhận định thành công của Đài Loan có thể không tồn tại lâu, do nguy cơ biến chủng Delta xâm nhập và gây ra tình cảnh tương tự những nơi cũng từng kiểm soát được đại dịch như Australia hay Singapore. Tuy nhiên, kinh nghiệm của hòn đảo có khả năng sẽ giúp họ tiếp tục ứng phó tốt các đợt bùng phát trong tương lai.

“Bất chấp chỉ trích từ phe đối lập, việc chính quyền Đài Loan bày tỏ sẵn sàng chia sẻ vaccine Covid-19 tự sản xuất, được phát triển dưới sự hỗ trợ của Viện Y tế Quốc gia Mỹ, cho thấy mong muốn trở thành thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng y tế toàn cầu của hòn đảo”, Soon nêu quan điểm.

Nguồn: Vnexpress