Hanbok là trang phục truyền thống được người Hàn Quốc mặc thường ngày từ cách đây khoảng 100 năm. Ngày nay, loại trang phục truyền thống này chỉ còn được mặc vào các dịp lễ, những ngày kỷ niệm đặc biệt và là trang phục của các cô dâu trong ngày cưới.
Hầu hết mỗi người dân Hàn Quốc đều có riêng cho mình một bộ Hanbok để mặc vào những dịp đặc biệt. Trẻ em mặc Hanbok vào sinh nhật tròn 1 tuổi và người lớn mặc Hanbok trong lễ cưới hay sinh nhật tròn 60 tuổi của mình. Ngoài ra, Hanbok cũng được mặc trong tang lễ hay các nghi thức tôn giáo. Một số làng, huyện mang lối sống truyền thống vẫn mặc trang phục truyền thống Hanbok thường ngày.
Trong lịch sử của Hàn Quốc có hai bộ Hàn phục dành riêng cho giai cấp quý tộc và dân thường. Giai cấp quý tộc sử dụng trang phục may theo kiểu cách nước ngoài, dân thường mặc bộ trang phục truyền thống Hàn Quốc Hanbok.
Hanbok gồm hai loại dành cho nữ và nam. Hanbok của phụ nữ gồm jeogori (áo khoác ngoài) và chima (váy dài). Đối với nam giới, một bộ Hanbok bao gồm có Jeogori dài đến ngang hông, chiếc quần Baji, và bên ngoài sẽ là một chiếc áo choàng Durumagi.
Jeogori là phần áo ngoài của Hanbok và được dùng bởi cả nam và nữ giới. Nó bao phủ phần cánh tay và phía trên của cơ thể. Cấu tạo cơ bản của jeogori bao gồm gil, git, dongjeong, goreum và phần tay áo. Gil là phần lớn nhất của chiếc áo và bao phủ phần phía trước và phía sau cơ thể. Git là dải lụa trang trí cho cổ áo. Dongjeong là phần cổ áo màu trắng có thể tháo rời đặt phía trên git. Goreum là sợi dây thắt lưng của jeogori. Jeogori cho nữ giới có thể có thêm kkeutdong, một loại cổ tay áo khác màu. Có hai loại jeogori đã được các nhà khảo cổ học tìm thấy. Một loại được tìm thấy trong lăng mộ Yangcheon Heo Clan có niên đại 1400-1450, trong khi loại jeogori còn lại được tìm thấy bên trong một bức tượng phật ở đền Sangwonsa có niên đại vào thập kỷ 60.
Hình dáng của jeogori đã thay đổi khá nhiều qua thời gian. Trong khi jeogori của nam giới hầu như không thay đổi thì trang phục jeogori của nữ giới trở nên ngắn hơn trong suốt triều đại vua Joseon, trở nên ngắn nhất vào cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, do tác động của cuộc cải cách và tính hữu dụng, jeogori dành cho nữ giới ngày nay dài hơn của nam giới. Tuy nhiên, áo jeogori vẫn dài trên thắt lưng. Theo truyền thống, goreum thì ngắn và hẹp, tuy nhiên goreum hiện đại thì khá dài và rộng.
Chima là tên gọi của váy truyền thống (và cũng là các loại váy nói chung). Lớp váy trong có tên là sokchima. Những người phụ nữ thời Goguryo mặc váy chima trước và áo jeogori ở bên ngoài, phủ lên trên thắt lưng. Váy được may từ vải hình chữ nhật có nếp gấp. Phần đai áo sẽ giúp cho váy quấn quanh cơ thể.
Sokchima được may theo cách tương tự như váy ngoài. Cho đến đầu thế kỷ 20 khi đai áo được thêm vào và biến đổi thành áo lót không tay hay là váy lót. Khoảng giữa thế kỷ 20, một số loại chima khoác bên ngoài được mặc cùng với áo lót không tay và khoác bên ngoài bởi jeogori.
Baji là tên gọi của quần ống rộng truyền thống. Từ này cũng được dùng để chỉ các loại quần nói chung ở Hàn Quốc ngày nay.
Po là từ nói đến áo choàng ngoài, dành cho nam giới từ thời kỳ Goryeo cho tới thời kỳ Joseon. Durumagi là các loại áo Po khác nhau được mặc để tránh rét. Po được mặc ngoài jeogori và baji và còn có tên gọi là jumagi, juchaui hay là juui.
Jokki là một loại vest trong khi magoja là tên gọi một loại áo khoác bên ngoài. Mặc dù jokki và magoja được sáng tạo ra vào cuối triều đại Joseon khi mà văn hóa phương Tây bắt đầu ảnh hưởng đến Hàn Quốc, những loại áo này vẫn được coi là một phần của trang phục truyền thống. Mỗi loại áo trên được mặc bên ngoài jeogori tạo sự ấm áp và phong cách. Magoja ban đầu là thiết kế của thời Mãn Châu nhưng đã được giới thiệu đến Hàn Quốc sau khi Heungseon Daewongun, cha đẻ của Vua Gojong trở về từ cuộc lưu đày ở Mãn Châu vào năm 1887. Magoja bắt nguồn từ từ magwae có nghĩa rằng ông mặc vào thời gian đó để tránh thời tiết lạnh của vùng. Loại áo này giúp giữ ấm cơ thể và mặc khá dễ dàng. Do vậy magoja đã trở nên phổ biến tại Hàn Quốc. Nó cũng được gọi là “deot jeogori” (nghĩa là “áo mặc bên ngoài jeogori”), hay là magwae.
Magoja không có git, một loại vải dùng để trang trí cổ áo và goreum (dây buộc), khác với jeogori và durumagi (áo choàng). Magoja ban đầu là một loại áo nam, nhưng sau đó đã trở thành loại áo dùng cho 2 giới. Magoja cho nam giới đã có seop (dây phủ bên ngoài mặt trước) và dài hơn magoja cho phụ nữ, để hai mặt của phần dưới áo được mở ra. Magoja được làm bằng lụa và được trang trí với một hoặc hai nút mà thường được làm từ hổ phách. Magoja nam, các nút được đính vào phía bên phải, trái với magoja của phụ nữ.
Phụ nữ Hàn Quốc mặc magoja trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là người Kaeseong mặc nó rất thường xuyên. Nó được may từ vải lụa và có màu trung tính để hài hoà với các loại trang phục khác như jeogori và chima.
Trang phục Hanbok mang đậm tính truyền thống bởi được sáng tạo trên nền chất liệu vải lụa, satin và vải thô, xen lẫn hình in hoặc thêu hoa khéo léo và tỉ mỉ. Hanbok được nhuộm màu tự nhiên. Những màu sắc tự nhiên thấm vào trong vải. Ví dụ, thuốc nhuộm màu đỏ sẽ được lấy từ những cánh hoa màu đỏ. Quá trình chiết xuất các sắc tố rất lâu, phức tạp và đòi hỏi phải cẩn thận, chính xác. Chất lượng màu sắc thu được sẽ khác biệt rất nhiều so với các sản phẩm thuốc nhuộm nhân tạo khác. Có 5 màu sắc được ưa chuộng trong thiết kế trang phục Hanbok là đỏ, xanh da trời, vàng, đen và trắng. Đây là 5 sắc màu chủ yếu theo triết lý âm dương và ngũ hành của phương Đông. Sau quá trình nhuộm sẽ thu được những mảnh vải với màu sắc và độ tinh tế khác nhau. Mỗi thiết kế Hanbok là sự kết tinh, hòa quyện của trí sáng tạo và cảm xúc. Người Hàn Quốc miêu tả bộ trang phục truyền thống của mình là “trên hẹp, dưới rộng”. Phần áo phải ôm sát và phần váy thì phải rộng, thoải mái, giống như Hanbok của phụ nữ Hàn trong triều đại Joseon.
Tùy theo điều kiện thời tiết mà người ta sử dụng các loại vải khác nhau. Vào mùa đông những chiếc áo Hanbok được lót thêm nhiều lớp vải để làm tăng độ dày giúp giữ ấm cơ thể. Khi thời tiết chuyển hè, người ta dùng những chất liệu rất mỏng để may.
Người Hàn Quốc mặc trang phục Hanbok đi kèm với một số phụ kiện khác như:
Daenggi là một dải băng được dùng để cột chặt và trang trí cho mái tóc dài của phụ nữ. Daenggi có nhiều loại khác nhau như jebiburi daenggi, apdaenggi, doturak daenggi và goidaenggi.
Samo – một loại mũ mặc cùng với dalleyong (áo choàng) như trang phục thường ngày của các quan chức.
Gat – một loại mũ dành cho nam giới trong triều đại Joseon, được các quan chức mặc cùng với po (áo choàng) khi họ ra ngoài.
Nambawi – một loại mũ được cả nam và nữ đội vào mùa đông để bảo vệ trán, cổ và tai. Nambawi còn được gọi là pungdaengi.
Bokgeon cũng là một loại mũ dành cho nam giới trong triều đại Joseon, cũng được các quan chức mặc cùng với po (áo choàng) khi đi ra ngoài.
Hogeon – một loại mũ dành cho nam giới vào cuối triều đại Joseon và giai đoạn hiện đại. Hogeon cũng tương tự như bokgeon, nhưng phần đỉnh nón được mở ra.
Gulle – một loại mũ dành cho các bé trai và bé gái từ 1 đến 5 tuổi, phần đầu được trang trí cẩn thận để giữ ấm. Vào mùa đông, chiếc mũ thường được làm từ lụa đen. Còn vào mùa xuân và mùa thu, nó thường được làm bằng lụa ngũ sắc.
Jokduri – một loại vương miện được phụ nữ Hàn sử dụng, thường mặc cùng với wonsam (áo choàng dài của cô dâu trong ngày cưới).
Hwagwan cũng là một loại vương miện dành cho phụ nữ, được trang trí với họa tiết cánh bướm, hạt ngũ sắc và chỉ vàng.
Jobawi – một loại mũ dành cho phụ nữ vào mùa đông. Phần đỉnh nón mở rộng, các cạnh được thiết kế theo hình tròn để giữ ấm tai. Jobawi thường được làm bằng lụa đen với hai dây tua ở mặt trước và mặt sau. Đá quý đôi khi cũng được dùng để trang trí cho dây tua.
Ayam – một loại mũ dành cho phụ nữ vào mùa đông. Ayam không che phủ phần tai như Jobawi và đôi khi được lót bằng lông thú.
Dwikkoji – một loại phụ kiện được phụ nữ Hàn sử dụng trong triều đại Joseon. Dwikkoji dùng để gắn vào bím tóc.
Binyeo – một loại kẹp tóc dùng để giữ chặt vương miện. Ngoài ra, binyeo còn được dùng để trang trí và khẳng định địa vị của người dùng. Chất liệu, hình dáng và kích thước của binyeo rất đa dạng.
Norigae là một trong những phụ kiện chính của phụ nữ. Norigae được sử dụng rộng rãi từ hoàng gia cho đến dân thường. Nó được đeo ở phía ngoài áo choàng hay đeo ngang eo, mang đến sự sang trọng cho toàn bộ trang phục.
Ngày nay, Hàn Quốc là quê hương của rất nhiều nhà thiết kế thời trang tài năng, những người đã được thế giới công nhận thông qua những thiết kế kết hợp nét đẹp truyền thống và cảm hứng nghệ thuật hiện đại. Nhờ ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu, những bộ phim cổ trang, ví dụ như Nàng Dae Jang Geum, được giới thiệu rộng rãi, góp phần đưa hình ảnh trang phục Hanbok đến nhiều nơi trên thế giới. Ngày càng có nhiều người nước ngoài ưa chuộng và mặc hanbok.
Người Hàn Quốc dường như ưa chuộng trang phục được lấy cảm hứng bởi phong cách phương Tây hiện đại hơn trang phục truyền thống. Với mong muốn giữ gìn những giá trị truyền thống và năng lực sáng tạo độc đáo, người Hàn Quốc dần làm mới, cách điệu bộ trang phục Hanbok cho phù hợp với dòng chảy hiện đại.
Mặc dù ngày nay Hanbok chỉ được mặc vào những ngày lễ truyền thống, nhưng tình yêu mà người dân Hàn Quốc dành cho Hanbok là rất lớn. Sự phổ biến của các bộ phim truyền hình cổ trang Hàn đã làm cho nhiều người nước ngoài quan tâm hơn đến loại trang phục truyền thống độc đáo này. Thậm chí, du khách vẫn thường bắt gặp những ngôi sao nổi tiếng của Hàn Quốc bước trên thảm đỏ trong trang phục Hanbok truyền thống với những thiết kế cách điệu kết hợp được cả vẻ đẹp truyền thống và hiện đại.
Hanbok được người dân Hàn Quốc đặc biệt coi trọng và là một biểu tượng không thể thiếu trong văn hóa của “xứ sở kim chi”. Nếu có dịp du lịch Hàn Quốc, du khách chắc chắn không thể bỏ qua trải nghiệm được mặc bộ trang phục truyền thống này. Du khách cũng có thể mua cho mình một bộ Hanbok để làm kỷ niệm cho chuyến du lịch đầy lý thú.