Thuê nhà có lẽ là điều khó khăn nhất dành cho các bạn du học sinh. Nếu không lựa chọn kỹ lưỡng thì bạn có thể sẽ thuê phải một căn hay bị hỏng hóc, hay gặp vấn đề với tờ hợp đồng thuê do không đọc kỹ hướng dẫn. Để không rơi vào những hoàn cảnh đó, BGG sưu tầm 10 vấn đề cần lưu ý dưới đây có thể sẽ giúp được bạn rất nhiều đấy!
1. Đừng lo lắng về việc thuê nhà
Sinh viên thường rất nóng vội vào những tuần lễ đầu tiên nhập học khi chưa tìm được nhà ưng ý. Tuy nhiên, đừng vì vậy mà bạn nghe lời “dụ dỗ” của những người môi giới. Trong trường hợp chủ nhà nói với bạn rằng nên nộp tiền đặt cọc ngay vì “Đang có 5 người thuê khác cũng đang muốn căn này.”, thì nhiều khả năng là chẳng có người thuê nào cả và ông ta nói vậy chỉ để bạn có thể nhanh chóng hoàn tất thủ tục cọc nhà cho ổng mà thôi. Tóm lại là đừng áp lực với chuyện thuê nhà, nếu bạn chưa kiếm được căn nhà hoàn hảo thì cứ từ từ nhé!
2. Đừng tìm nhà quá trễ
Một điều kinh khủng nhất là nếu đến kì nhập học rồi mà bạn vẫn chưa tìm được nhà. Bạn sẽ ở đâu đây! Một khi đã có đủ thời gian để tìm được căn nhà ưng ý rồi thì bạn cần đưa ra quyết định ngay và luôn.
3. Đừng chọn những căn quá nhiều nội thất
Hầu hết sinh viên đều bị choáng ngợp bởi căn nhà có bộ sofa nhung, sàn gỗ chắc chắn hay chiếc TV màn hình mỏng,… Nhưng khi nhìn tổng quát, thật khủng khiếp là nó đã chiếm hết không gian của bạn, nhìn căn phòng giờ đây thật sự rất ngột ngạt. Thế nên, hãy nghĩ đến việc bạn cần ngôi nhà đơn giản chỉ là có một chiếc ghế, tủ lạnh lớn, đặc biệt là ngôi nhà bạn nên có nhiều hơn một phòng tắm. Không gian vẫn là yếu tố quan trọng nhất.
4. Đừng chọn căn rẻ nhất
Đừng chọn một căn nhà chỉ vì nó rẻ! Nếu một căn nhà mà giá phòng đã bao gồm điện nước thì hẳn phải có lí do nào đó. Đó có thể là vì khu vực xung quanh quá nguy hiểm hay vì ngôi nhà đó có vấn đề. Khi gặp phải một căn nhà như thế, hãy tự hỏi liệu việc sống trong đó có tiện lợi không và nó có đáp ứng được các nhu cầu của bạn không?
5. Hãy chọn bạn cùng phòng cẩn thận
Một người bạn cực thân với bạn ở học kì đầu tiên có khi sẽ trở thành kẻ thù của bạn ở học kì tiếp theo đấy! Đừng sống chung với một người với lí do vì họ chính là người bạn đầu tiên mà bạn gặp gỡ ở trường Đại học. Chỉ cần đó là một người sạch sẽ, thân thiện và cởi mở là đủ tốt rồi.
6. Hãy tìm hiểu căn nhà với những người thuê trước
Hãy lên các diễn đàn, group Facebook và hỏi xung quanh xem chủ nhà và công ty môi giới là ai, những người nào đã từng thuê căn nhà của bạn trước đây. Bạn cũng có thể hỏi chủ nhà về người thuê trước. Khi đã có thông tin những người này, bạn cần “điều tra” xem việc thuê nhà của họ có gì trục trặc không? Nếu có thì né càng xa căn nhà đó càng tốt nhé!
7. Tập làm quen với khu vực của bạn
Bạn cần kiểm tra khu vực thuê nhà cả ngày lẫn đêm. Có thể con đường đấy rất đỗi bình thường vào lúc 3 giờ chiều, nhưng biết đâu nó lại là nơi nguy hiểm vào lúc 2 giờ sáng. Ngoài ra bạn cũng cần quan tâm đến khoảng cách của căn nhà đó với siêu thị và các địa điểm mà bạn sẽ cần lui tới, và đặc biệt là với trường học. Hãy tìm hiểu xem nhà bạn có xa trường không, và khoảng cách, chi phí di chuyển đến trường như thế nào.
8. Đọc kỹ hợp đồng
Một khi đã quyết định lấy căn nhà đó, bạn cần đọc kỹ hợp đồng. Hãy đọc những chi tiết nhỏ nhất, đặt thật nhiều câu hỏi và chắc chắn rằng bố mẹ, người bảo hộ hay một tư vấn viên nào đó của trường Đại học cũng đã xem qua hợp đồng này. Đừng để một chi tiết nào trong hợp đồng gây bất lợi cho bạn vào cuối năm học, khi trả lại nhà.
9. Giữ lại tất cả các bằng chứng
Một khi đã ở trong nhà rồi, bạn cần giữ các tin nhắn giữa bạn và chủ nhà về bất kỳ vấn đề gì. Nếu họ hứa sẽ làm gì đó (sửa chữa đồ đạc chẳng hạn), hãy yêu cầu họ gửi tin nhắn hay email để giữ lại bằng chứng.
10. Trường Đại học và Hội đồng địa phường luôn hỗ trợ bạn
Trong trường hợp bạn có vấn đề, hãy tìm tới trường đại học hay hội đồng địa phương để xin tư vấn. Các trường Đại học thường có một ban tư vấn riêng về vấn đề nhà ở cho sinh viên nên bạn có thể yên tâm về chất lượng tư vấn nhé. Tương tự, hội đồng địa phương cũng là nơi sẽ hỗ trợ bạn trong những trường hợp xấu nhất.