Những khó khăn của du học sinh trong học tập

Đối với những bạn quyết định du học thì việc bạn phải đối mặt những khó khăn trong khâu làm hồ sơ xin visa hay là phỏng vấn với trường là điều hiển nhiên. Nhưng nhiều bạn cứ nghĩ đã hoàn thành xong những thủ tục này thì qua đó mình chỉ việc cố gắng học là xong. Vấn đề là môi trường học tập tại nước mình với nước bạn thật sự rất khác nhau nên việc học cũng sẽ gặp đôi chút khó khăn chứ! Vậy nên hãy cùng BGG xem đó là những khó khăn nào nhé!

1. Những ngày đầu làm quen

Dù bạn có giỏi ngoại ngữ đến đâu thì khi đi du học, hầu hết các du học sinh đều phải mất một khoảng thời gian nhất định để hiểu được nội dung bài giảng ở lớp. Thời kì đầu, có nhiều bạn thậm chí còn rơi vào tình cảnh “vịt nghe sấm” vì không hiểu hết lời giảng của thầy hoặc không chép kịp so với các bạn khác.

Tùy vào mỗi vấn đề mà bạn sẽ phải xoay xở cách xử lí riêng. Chẳng hạn, nếu không thể nghe kịp hết tất cả các ý của thầy, bạn có thể chọn phương án thu âm để về nhà nghe giảng lần hai. Hay vào buổi đầu tiên, bạn có thể hỏi giáo viên để xin bài giảng powerpoint chẳng hạn. Một cách nữa là bạn có thể làm quen với bạn ngồi cạnh để mượn vở hoặc chí ít chép những từ vựng khó mà bạn nghe không kịp. Và bạn cũng nên chịu khó đi học sớm để có được chỗ ngồi thuận tiện cho việc nghe giảng nhất.

2. Số lượng bài tập khổng lồ

Rất nhiều bạn vẫn thường có suy nghĩ rằng học ở nước ngoài sẽ dễ hơn vì được học thực hành nhiều hơn lý thuyết. Nhưng vấn đề là khi thực hành nhiều tất nhiên bạn cũng phải làm rất nhiều bài tập ngoài giờ lên lớp. Làm thuyết trình trước lớp và viết bài luận là hai dạng bài tập bạn sẽ thường xuyên phải gặp nếu theo học các ngành Khoa học Xã hội. Trong khi đó, sinh viên Luật trường còn được yêu cầu phải tham gia các buổi xử án ở các tòa án quốc tế. Và ở lớp, họ đôi khi còn được phân công đóng vai luật sư giả định trong một vụ án giả thiết nào đó. Nên trong quá trình học tập tại nước ngoài, bạn chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều đêm thức trắng vì lượng bài tập, bài luận chất đống vào kì thi.

3. Đọc, đọc nữa, đọc mãi

Để hoàn thành những dạng bài tập kể trên, các du học sinh phải đầu tư rất nhiều thời gian tự nghiên cứu ở thư viện. Trong hệ thống giáo dục ở các nước nói tiếng Anh, các giảng viên chỉ tập trung phân tích một số vấn đề nổi cộm nào đó ở lớp chứ không tập trung giảng bài. Kiến thức về lí thuyết, bài vở sinh viên thường được yêu cầu tự đọc trước ở nhà.

Một lí do nữa khiến du học sinh nào cũng phải chăm chỉ đọc sách là vì đề kiểm tra thường là dạng mở. Nếu chỉ nghe giảng thôi thì chưa đủ bởi các thầy cô phương Tây thường rất quan tâm đến kiến thức bên ngoài nhiều hơn là sách vở. Trong một đề kiểm tra, đôi khi bạn sẽ phải đối mặt với những câu hỏi hoàn toàn chưa xuất hiện trong các bài giảng. Cách tốt nhất là bạn nên chăm chỉ đọc hết những tài liệu, sách báo mà giảng viên yêu cầu hồi đầu năm học. Nếu có thời gian, những quyển sách, trang thông tin có liên quan cũng sẽ rất hữu ích, đặc biệt là trong quá trình viết luận.

4. Vắng quá nhiều thì có bị sao?

Không tính các buổi học ở hội trường, giảng viên nước ngoài thường rất chú trọng tới tính chuyên cần của sinh viên. Ở Pháp, việc điểm danh ở các buổi học thực hành diễn ra thường xuyên. Mỗi thầy cô sẽ có cách kiểm tra riêng, có người kiểm tra theo kiểu hỏi bất thình lình một cái tên bất kì để trả lời câu hỏi, cũng có người truyền danh sách cho sinh viên kí.

Tuy khác nhau về cách thức điểm danh, nhưng các trường thường có một điểm chung là rất mạnh tay trong khâu xử lí sinh viên vắng quá nhiều buổi học. Chỉ cần 2,3 buổi vắng không phép (không có giấy khám bác sĩ hay giấy triệu tập của các cơ quan hành chính,…) thì sinh viên đó sẽ phải học lại, thậm chí là không được thi môn đó.

Bạn cũng không nên lo lắng quá, từ từ rồi bạn sẽ theo kịp các buổi học trên trường nhanh thôi. Chỉ cần bạn chăm chỉ và nhớ là đừng nghỉ học quá nhiều nhé!